Trong bối cảnh kinh doanh luôn biến động, việc tạm ngừng hoạt động có thể là một quyết định chiến lược hoặc một tình huống bất khả kháng đối với doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành quy định rõ ràng về thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Việc nắm vững và thực hiện đúng quy trình này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái hoạt động trong tương lai. 

  1. Khái niệm tạm ngừng kinh doanh

Theo Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, “tạm ngừng kinh doanh” là một tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, là việc doanh nghiệp chuyển tình trạng pháp lý từ “đang hoạt động” sang “tạm ngừng kinh doanh”. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng không được tiến hành hoạt động kinh doanh, bao gồm không được ký kết hợp đồng, không được xuất hóa đơn hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào khác. 

Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. 

  1. 2. Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau: 

– Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp; 

– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần về việc tạm ngừng kinh doanh; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh; 

– Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận kết quả (trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp nộp hồ sơ); 

– Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục. 

  1. 3. Thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

Trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm. 

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. 

Khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh. 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat