Theo quy định của pháp luật về kiểm toán có những quy định cụ thể về điều kiện hành nghề kiểm toán. Vậy trường hợp lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện hành nghề kiểm toán để ký hợp đồng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có bị phạt? Cùng Pham Consult tìm hiểu thông qua bài viết hôm nay nhé!

Lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện hành nghề kiểm toán để ký hợp đồng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có bị phạt?

Theo quy định tại điều 53 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về chế tài xử phạt hành vi vi phạm quy định về lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán như sau:

 

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán

  1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với đơn vị thuê doanh nghiệp kiểm toán trong các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán theo quy định pháp luật.
  2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với đơn vị thuê doanh nghiệp kiểm toán không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật.
  3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với đơn vị được kiểm toán không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tài chính tổng hợp và các công việc kiểm toán khác theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện hành nghề kiểm toán để ký hợp đồng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

 

Tổ chức hành nghề kiểm toán phải đáp ứng những điều kiện nào?

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:

 

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

 

+ Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn;

 

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kiểm toán viên hành nghề;

 

+ Bảo đảm vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;

 

+ Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề.

 

– Công ty hợp danh khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

 

+ Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh;

 

+ Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề;

 

– Doanh nghiệp tư nhân khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

 

+ Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân;

 

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.

 

– Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

+ Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;

 

+ Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;

 

+ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;

 

+ Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;

 

+ Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

 

– Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

 

Tổ chức hành nghề kiểm toán có được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán khác hay không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Kiểm toán độc lập 2011 về các loại doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam như sau:

 

Các loại doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

  1. Doanh nghiệp kiểm toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam.

Theo đó, doanh nghiệp kiểm toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam.

 

Như vậy, qua bài viết trên Pham Consult đã cùng bạn lý giải thêm về điều kiện trong việc lựa chọn các tổ chức kiểm toán. Mong những thông tin trên sẽ giúp ích được cho công việc của bạn. 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat