Đối với các doanh nghiệp đơn thuần là thương mại hoặc là nhà phân phối cho các công ty thì nghiệp vụ Chiết khấu thương mại thường xuyên gặp phải. Và có rất nhiều kế toán không thể phân biệt được khi nào thì sẽ xác định là khi nào đó là chiết khấu thương mại, khi nào là không? Qua bài viết hôm nay, hãy cùng Pham Consult tìm hiểu về vấn đề này nhé!

1. Chiết khấu thương mại là gì?

Chiết khấu thương mại là các khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn. Cũng có thể hiểu rằng, chiết khấu thương mại là khoản giảm trừ người mua được hưởng khi mua với số lượng lớn hoặc mua nhiều lần.

Chiết khấu thương mại có nhiều hình thức được thực hiện cụ thể như sau:

  • Chiết khấu thương mại theo từng lần mua hàng (Giảm giá hàng bán ngay trong lần mua hàng đầu tiên)
  • Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng (Sau nhiều lần mua hàng mới đạt khối lượng hưởng chiết khấu)
  • Chiết khấu thương mại sau chương trình khuyến mại (Sau khi đã xuất hóa đơn bán hàng rồi mới tính toán chiết khấu được hưởng trong kì).

Mỗi hình thức chiết khấu đều có các quy định riêng, đồng thời thực hiện xuất hóa đơn, kê khai thuế khác nhau. Tuy vậy, cũng có các quy định chung của nhà nước về khoản chiết khấu thương mại này.

2. Quy định của thuế về chiết khấu thương mại

Hóa đơn chiết khấu

Hàng hóa và dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại đối với khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT và tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.

Có thể chia làm 3 trường hợp viết hóa đơn có chiết khấu thương mại.

  • Trường hợp 1: Viết hóa đơn chiết khấu thương mại dựa theo từng lần mua hàng
  • Trường hợp 2: Viết hóa đơn chiết khấu thương mại khi mua hàng với một số lượng lớn
  • Trường hợp 3: Viết hóa đơn số tiền chiết khấu khi đã kết thúc chương trình khuyến mại

Thuế GTGT

Hàng hóa có chiết khấu thương mại, thì giá tính thuế là giá đã được chiết khấu. Trường hợp chiết khấu sau khi được xuất hóa đơn bán hàng (Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng, hoặc có thể sau chương trình khuyến mại) thì bên bán cần phải xuất hóa đơn điều chỉnh ghi rõ số chiết khấu, thuế, doanh thu cần điều chỉnh. Hai bên sẽ căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh nhằm điều chỉnh doanh thu mua, bán và thuế của mình.

Thuế TNDN

Chiết khấu thương mại sau khi đã xuất hóa đơn điều chỉnh thì bên bán, bên mua đều điều chỉnh giảm doanh thu mua vào bán ra không kê khai khi tính thuế TNDN.

3. Hạch toán chiết khấu thương mại

Chiết khấu thương mại đã giảm trừ vào giá bán phản ảnh trên hóa đơn (GTGT hoặc bán hàng) thì không được hạch toán vào tài khoản 521 mà phản ảnh doanh thu bán hàng theo giá đã trừ CKTM.

Nếu khách hàng không tiếp tục mua hàng, hoặc khi chỉ số CKTM người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hóa đơn lần cuối cùng thì phải chi tiền CKTM cho người mua, bên bán lập chứng từ chi (không lập hóa đơn) để ghi nhận chi phí và được hạch toán vào tài khoản 521; bên mua lập chứng từ thu để ghi nhận thu nhập khác.

Hạch toán kế toán đối với bên bán hàng có chiết khấu thương mại, kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

– Căn cứ vào hóa đơn bán hàng kế toán hạch toán:

  • Ghi tăng doanh thu, thuế GTGT đầu ra:
    Nợ TK 131: Phải thu của khách hàng
    Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
    Có TK 3331: Thuế GTGT đầu ra
  • Đồng thời kết chuyển giá vốn hàng bán:
    Nợ TK TK 632
    Có TK 156

– Căn cứ vào hóa đơn có chiết khấu, số tiền chiết khấu và kế toán ghi:
Nợ TK 521: Chiết khấu thương mại
Nợ TK 3331: Thuế GTGT đầu ra
Có TK 131: Phải thu của khách hàng

Hạch toán kế toán đối với bên mua hàng có chiết khấu thương mại, kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Cũng như bên bán, nếu chiết khấu của từng lần mua hàng hóa, thì bên mua hạch toán doanh thu mua, cũng như thuế đầu vào theo giá đã chiết khấu thương mại. Nếu bên mua sau nhiều lần mua hàng mới được hưởng mức chiết khấu thì hạch toán như sau:

– Khi mua hàng
Nợ TK 156: Hàng hóa
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331: Phải trả nhà cung cấp

– Khi nhận được hóa đơn chiết khấu.

  • Nếu khoản chiết khấu là của hàng còn tồn kho và ghi giảm cho giá vốn hàng tồn kho và thuế GTGT được khấu trừ:
    Nợ TK 331: Phải trả nhà cung cấp
    Có TK 156: Hàng hóa (phân bổ cho giá vốn hàng tồn kho)
    Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
  • Nếu khoản chiết khấu là của hàng hóa đã tiêu thụ:
    Nợ TK 331: Phải trả nhà cung cấp
    Có TK 632: Giá vốn ( phân bổ cho hàng bán trong kỳ)
    Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ

 

Như vậy, bài viết trên Pham Consult đã cùng các bạn tìm hiểu chiết khấu thương mại là gì và cách hạch toán chiết khấu thương mại. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn trong quá trình làm việc.

PHẠM CONSULT là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn Thuế, Tư vấn tài chính, Dịch vụ kế toán, lập và thanh toán lương. Quý Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline: (84-28) 3930 2487 hoặc kênh truyền thông Facebook: http://bit.ly/phamconsult nếu có nhu cầu hỗ trợ.

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat