Phải lập hóa đơn điện tử vào lúc nào khi khách hàng trả lãi vay trước hạn theo hợp đồng tín dụng? Nghị định 70 sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn chứng từ có hiệu lực khi nào? Quy trình cho vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở được quy định ra sao? Hãy cùng Phạm Consult tìm hiểu thêm nhé!

Phải lập hóa đơn điện tử vào lúc nào khi khách hàng trả lãi vay trước hạn theo hợp đồng tín dụng?

Căn cứ điểm l khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:

Thời điểm lập hóa đơn

  1. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
  2. l) Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động cho vay được xác định theo kỳ hạn thu lãi tại hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng đi vay, trừ trường hợp đến kỳ hạn thu lãi không thu được và tổ chức tín dụng theo dõi ngoại bảng theo quy định pháp luật về tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu được tiền lãi vay của khách hàng. Trường hợp trả lãi trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn.

Đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế của tổ chức tín dụng, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm đổi ngoại tệ, thời điểm hoàn thành dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ.

Theo đó, khi khách hàng trả lãi vay trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì hóa đơn điện tử được lập vào thời điểm thu lãi trước hạn.

Nghị định 70 sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn chứng từ có hiệu lực khi nào?

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 70/2025/NĐ-CP quy định như sau:

Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

  1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.
  2. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các khoản 3, khoản 6, khoản 7, khoản 11, khoản 18, khoản 37 và khoản 38 Điều 1 Nghị định này và các trường hợp khác theo yêu cầu quản lý.
  3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Như vậy, Nghị định 70 sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn chứng từ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.

Quy trình cho vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở được quy định ra sao?

Căn cứ quy định tại tiểu mục 15 Mục III Hướng dẫn 4546/HD-NHCS năm 2024 quy định về quy trình cho vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở như sau:

Tại tổ TK&VV (tiết kiệm và vay vốn)

Khách hàng gửi hồ sơ quy định tại tiết a, b, c, d, đ điểm 14.1 khoản 14 văn bản này cho Tổ TK&VV tại nơi đăng ký thường trú. Nếu khách hàng chưa là tổ viên Tổ TK&VV thì Tổ TK&VV tại thôn, tổ dân phố (thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… gọi chung là thôn; tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu… gọi chung là tổ dân phố) tổ chức họp kết nạp bổ sung tổ viên; họp bình xét công khai dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố và người đại diện tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cấp xã, sau đó gửi hồ sơ vay vốn kèm biên bản họp Tổ TK&VV, Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội theo Mẫu số 03/NƠXH đến UBND cấp xã.

Tại UBND cấp xã

– Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao và hồ sơ do các Tổ TK&VV gửi đến, UBND cấp xã xác nhận trên Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội theo Mẫu số 03/NƠXH, sau đó gửi Tổ TK&VV để gửi NHCSXH nơi cho vay.

– Trường hợp nhu cầu vay vốn lớn hơn chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao thì UBND cấp xã tổ chức xét ưu tiên vay vốn nhà ở xã hội cho khách hàng là đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, nữ giới, Sau khi xét ưu tiên cho các đối tượng nói trên được vay vốn, các đối tượng còn lại tổ chức bốc thăm để ưu tiên vay vốn. Sau đó, UBND cấp xã xác nhận trên Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội theo Mẫu số 03/NƠXH đối với những trường hợp có kết quả xét ưu tiên và kết quả sau khi tổ chức bốc thăm; việc xét ưu tiên vay vốn và tổ chức bốc thăm phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, có sự tham gia của khách hàng và lập thành biên bản lưu tại UBND cấp xã.

Tại NHCSXH nơi cho vay (Ngân hàng Chính sách xã hội)

– Khi nhận được hồ sơ vay vốn do Tổ TK&VV gửi đến, NHCSXH nơi cho vay thông báo cho khách hàng theo Mẫu số 04/NƠXH. Cán bộ được Giám đốc NHCSXH nơi cho vay phân công, trong thời gian tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, thực hiện thẩm định hồ sơ vay vốn. Trường hợp hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, cán bộ thẩm định đề nghị khách hàng bổ sung theo quy định. Căn cứ hồ sơ vay vốn, kết quả thẩm định và Biên bản xác định giá trị tài sản thế chấp theo quy định hiện hành của NHCSXH, cán bộ NHCSXH nơi cho vay lập Báo cáo thẩm định theo Mẫu số 05/NƠXH.

– Cán bộ được phân công thẩm định trình Báo cáo thẩm định kèm hồ sơ vay vốn cho Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng/Tổ trưởng Kế hoạch – nghiệp vụ kiểm soát, sau đó trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay xem xét phê duyệt; việc kiểm soát và phê duyệt hồ sơ vay vốn tối đa 05 ngày làm việc.

– NHCSXH nơi cho vay thông báo kết quả phê duyệt cho vay theo Mẫu số 06a/NƠXH hoặc không đồng ý phê duyệt cho vay theo Mẫu số 06b/NƠXH.

Trường hợp phê duyệt cho vay thì NHCSXH nơi cho vay cùng khách hàng lập Hợp đồng tín dụng theo Mẫu số 07c/NƠXH; cùng Bên thế chấp lập Hợp đồng thế chấp tài sản theo quy định bảo đảm tiền vay trong hệ thống NHCSXH và thực hiện công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định hiện hành. Chi phí công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm do khách hàng chi trả.

– Căn cứ Hợp đồng tín dụng đã được ký kết giữa khách hàng với NHCSXH nơi cho vay, khách hàng mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH nơi cho vay (đối với trường hợp chưa mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH).

– Sau khi hồ sơ vay vốn được hoàn thiện, cán bộ được Giám đốc NHCSXH nơi cho vay phân công lập Biên bản giao nhận hồ sơ giữa bộ phận tín dụng và bộ phận kế toán theo Mẫu số 13/NƠXH và bàn giao toàn bộ hồ sơ cho bộ phận kế toán làm căn cứ giải ngân, quản lý.

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat