Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư chi phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ và tay nghề của nhân viên với mục đích nâng cao chất lượng về sản xuất, dịch vụ và tăng cơ hội mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả của việc đào tạo nghề phụ thuộc rất nhiều vào cam kết giữa người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) và người lao động (“NLĐ”).
Thực tế cho thấy nhiều NLĐ sau khi hoàn tất khóa đào tạo không muốn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ, điều này dẫn đến việc doanh nghiệp bị tổn thất về chi phí đầu tư và các lợi ích khác mà lẽ ra doanh nghiệp được hưởng từ việc đào tạo lực lượng lao động. Vậy, trong trường hợp này NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo nghề không?
Trong bài viết này, PhamConsult sẽ trình bày một số vấn đề mà NSDLĐ cần lưu ý khi phát sinh tranh chấp lao động về chi phí đào tạo nghề với NLĐ.
1. Thỏa thuận về đào tạo nghề giữa NSDLĐ và NLĐ
Theo pháp luật lao động Việt Nam, việc đào tạo nghề được hiểu là trường hợp NLĐ được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của NSDLĐ, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho NSDLĐ.
Theo khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, việc đào tạo nghề này phải được thỏa thuận bởi NLĐ và NSDLĐ, và được lập thành văn bản dưới hình thức hợp đồng đào tạo nghề (“HĐĐTN”). HĐĐTN phải có các nội dung chính như sau:
- nghề đào tạo;
- địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- trách nhiệm của NSDLĐ;
- và trách nhiệm của NLĐ
Trong đó, chi phí đào tạo nghề là một vấn đề quan trọng trong thỏa thuận giữa các bên, và phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong HĐĐTN nhằm làm căn cứ yêu cầu NLĐ bồi hoàn một khoản tiền khi vi phạm nghĩa vụ của thỏa thuận này.
Theo khoản 3 Điều 62 Bộ Luật Lao động 2019, chi phí đào tạo nghề bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về các chi phí cần thiết như:
- chi phí trả cho người dạy; tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người học;
- tiền lương; tiền đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học
- chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo (nếu người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài)
2. Điều kiện để NSDLĐ yêu cầu NLĐ bồi thường chi phí đào tạo nghề NLĐ phát sinh trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo nghề cho NSDLĐ trong các trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) đúng pháp luật
Mặc dù pháp luật lao động không quy định về nghĩa vụ của NLĐ trong trường hợp này nhưng Khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định rằng NLĐ sau khi hoàn thành khóa học đào tạo nghề phải làm việc cho NSDLĐ theo thời hạn đã cam kết trong HĐĐTN; trường hợp NLĐ không thực hiện đúng cam kết này thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Như vậy, NLĐ vẫn có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo cho NSDLĐ vì vi phạm nghĩa vụ về thời hạn làm việc sau khi hoàn tất khóa học.
Trường hợp 2: NLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Nếu việc chấm dứt HĐLĐ không thuộc các trường hợp mà NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo luật định thì được xác định là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây đối với NSDLĐ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện nêu trên:
- Bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước;
- Hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo căn cứ vào HĐĐTN đã được các bên ký kết;
- Không được nhận trợ cấp thôi việc.
NSDLĐ cần lưu ý rằng NLĐ chỉ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo nghề cho NSDLĐ khi vi phạm các thỏa thuận về đào tạo nghề. Do đó, các trường hợp NSDLĐ yêu cầu NLĐ thanh toán một khoản tiền tương đương với khoản tiền phạt vi phạm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là trái với quy định của pháp luật lao động. Nếu NSDLĐ muốn NLĐ thanh toán cho mình một khoản tiền bên cạnh việc bồi thường chi phí đào tạo nghề thì các bên phải có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm trong HĐĐTN. Khi đó, NSDLĐ mới có quyền yêu cầu NLĐ nộp khoản tiền phạt vi phạm khi không thực hiện đúng các cam kết trong HĐĐTN.
3. Lưu ý thực tiễn về việc chứng minh nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo nghề của NLĐ
Khi yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo khi NLĐ không thực hiện đúng cam kết về thời gian làm việc sau hoàn thành khóa đào tạo, NSDLĐ cần lưu ý rằng các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thẩm định lại mức tiền mà NSDLĐ yêu cầu NLĐ bồi hoàn.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc xác định mức bồi thường thiệt hại hợp lý phải căn cứ vào hiệu lực của nội dung thỏa thuận về đào tạo nghề trong HĐLĐ hoặc HĐĐTN hoặc văn bản thỏa thuận khác giữa NLĐ và NSDLĐ nhằm làm rõ các tình tiết sau đây:
- Có thực sự tồn tại việc đào tạo trên thực tế làm phát sinh trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo đối với NLĐ hay không?
- Việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào thời gian đào tạo thực tế với thời gian đào tạo trong thỏa thuận; thời gian cam kết làm việc sau đào tạo và thời gian làm việc thực tế;
- Chi phí đào tạo và các hạng mục chi trong thỏa thuận và trong thực tế.
Vì vậy, NSDLĐ nên chú ý về việc chuẩn bị các chứng cứ phù hợp với những tiêu chí đánh giá trên nhằm chứng minh được trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo của NLĐ và yêu cầu bồi thường một khoản tiền cụ thể của NSDLĐ là phù hợp với thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật.
Pham Consult mong rằng thông tin này sẽ giúp ích cho quá trình làm việc của bạn.