Theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008, sửa đổi năm 2016, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh khác nơi có trụ sở chính hay còn gọi là thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh là một khoản thuế phải trích nộp cho cơ quan thuế khi thi công xây dựng, lắp đặt bất động sản ở tỉnh khác.
1. Trường hợp phải kê khai thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh đối với hoạt động xây dựng
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 26/2015/TT-BTC), hoạt động xây dựng, lắp đặt bất động sản vãng lai ngoại tỉnh có giá trị bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên thì phải kê khai VAT vãng lai tại địa phương đó.
“đ) Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh”.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC, các trường hợp được phân bổ thuế GTGT:
“c) Hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành”.
2. Phương pháp phân bổ thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh đối với hoạt động xây dựng
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC, VAT vãng lai ngoại tỉnh đối với hoạt động xây dựng được phân bổ như sau:
“Số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh = Doanh thu chưa có thuế GTGT tại từng tỉnh x 1%”
Trong đó:
+ Doanh thu chưa có thuế GTGT được xác định theo hợp đồng đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng;
+ Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu phát sinh của từng công trình tại từng tỉnh thì người nộp thuế xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình; sau đó, tiếp tục căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh.
Đây là một điểm mới khác biệt trong quy định về nghĩa vụ thuế khi chủ đầu tư chỉ phải phân bổ 1% cho ngân sách địa phương nơi có công trình xây dựng so với trước đó là 2% (theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC).
3. Khai thuế, nộp thuế
3.1. Tại nơi có công trình xây dựng
Người nộp thuế phải thực hiện khai và nộp thuế tại địa phương nơi có công trình xây dựng các việc sau:
- Khai thuế GTGT của các công trình, hạng mục công trình tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính với cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT;
- Nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có công trình xây dựng;
- Nếu Kho bạc Nhà nước đã thực hiện khấu trừ (chi tiết tại mục 4) thì người nộp thuế không phải nộp số tiền thuế đã được Kho bạc Nhà nước khấu trừ.
3.2. Tại nơi có trụ sở chính
Người nộp thuế phải thực hiện tổng hợp doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính.
Lưu ý: Số thuế GTGT đã nộp tại tỉnh nơi có công trình xây dựng được bù trừ với số thuế phải nộp tại trụ sở chính.
4. Về việc khấu trừ tiền thuế GTGT của các nhà thầu khi thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư
- Kho bạc Nhà nước nơi chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch thực hiện khấu trừ tiền VAT để nộp vào ngân sách nhà nước. Số thuế khấu trừ được xác định như sau: “Số thuế GTGT khấu trừ = Doanh thu chưa có thuế GTGT đối với khối lượng hoàn thành của các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản x 1%”.
- Chủ đầu tư khi thực hiện thanh toán tại Kho bạc Nhà nước phải lập chứng từ thanh toán theo mẫu quy định gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện khấu trừ thuế GTGT. Số thuế do Kho bạc Nhà nước khấu trừ trên chứng từ thanh toán được trừ vào số thuế phải nộp của nhà thầu. Chủ đầu tư cần cung cấp chứng từ thanh toán đã được Kho bạc Nhà nước khấu trừ thuế cho các nhà thầu.
- Việc hạch toán thu ngân sách nhà nước đối với số thuế GTGT đã được Kho bạc Nhà nước khấu trừ theo nguyên tắc công trình xây dựng cơ bản phát sinh tại tỉnh nào thì số thuế giá trị gia tăng do Kho bạc Nhà nước khấu trừ sẽ được hạch toán vào thu ngân sách của tỉnh đó.
- Trường hợp công trình nằm trên nhiều tỉnh thì chủ đầu tư xác định doanh thu chưa có thuế đối với phần công trình theo từng tỉnh, lập chứng từ thanh toán theo mẫu quy định gửi Kho bạc Nhà nước để khấu trừ thuế và hạch toán thu ngân sách cho từng tỉnh. Nếu công trình, hạng mục nằm trên nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình ở từng tỉnh việc xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh được thực hiện theo phân bổ tỷ lệ như trên.
Lưu ý: việc khấu trừ không được áp dụng với các trường hợp sau:
- Chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định
- Các khoản thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các hoạt động quản lý dự án: (i) Thanh toán cho các công việc quản lý dự án cho chủ đầu tư trực tiếp thực hiện; (ii) Các khoản chi của ban quản lý dự án, chi giải phóng mặt bằng, chi đối với các dự án do dân tự làm
- Các khoản chi phí đầu tư xây dựng của các dự án, công trình thuộc ngân sách xã có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng
- Các trường hợp người nộp thuế chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
5. Cơ sở pháp lý
- Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008, sửa đổi năm 2016
- Thông tư 156/2013/TT-BTC
- Thông tư 26/2015/TT-BTC
- Thông tư 80/2021/TT-BTC
Trên đây là bài viết cung cấp kiến thức pháp lý về quy định thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh đối với hoạt động xây dựng. Phạm Consult là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn Thuế, Tư vấn tài chính, Dịch vụ kế toán, lập và thanh toán lương. Quý Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline: (84-28) 3930 2487 hoặc kênh truyền thông Facebook nếu có nhu cầu hỗ trợ.