Sau khi thành lập và hoạt động, vì nhiều lý do khiến doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, không tìm được hướng phát triển như đã đề ra hoặc không còn khả năng, nhu cầu tiếp tục kinh doanh nên doanh nhiệp đã chọn rút lui khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp không còn đủ điều kiện tồn tại chung. Chủ doanh nghiệp sẽ phải làm thủ tục pháp lý để chấm dứt tư cách pháp nhân của doanh nghiệp và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp.

CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp quy định tại Điều 207, Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

  1. Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  2. Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  3. Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  4. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Có thể thấy, giải thể doanh nghiệp có hai trường hợp là: giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc. Nhưng cho dù là giải thể tự nguyện hay giải thể bắt buộc thì điều kiện đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán được các nghĩa vụ tài chính của mình và không trong quá trình tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

HỒ SƠ GIẢI THỂ:

  • Thông báo về giải thể doanh nghiệp (mẫu Phụ lục II-22 Thông tư 01/2021/TT-BKHDT)
  • Biên bản họp về việc giải thể doanh nghiệp (Đối với Công ty TNHH/Công ty cổ phần)
  • Nghị quyết/ Quyết định về việc giải thể doanh nghiệp;
  • Bản chính giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Biên bản thanh lý tài sản;
  • Danh sách chủ nợ, số nợ đã thanh toán và phương án giải quyết nợ (nếu có);
  • Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.

THỦ TỤC GIẢI THỂ CỦA DOANH NGHIỆP:

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể. Theo đó, việc giải thể phải thông qua chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của công ty. Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị;

Bước 2: Thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định giải thể thì doanh nghiệp gửi thông báo giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh kèm giấy tờ liên quan.

Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được thông báo giải thể của doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh phải đăng tải các giấy tờ được quy định và thông báo tình trạng doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia sang tình trạng doanh nghiệp “đang làm thủ tục giải thể”. Sau đó gửi thông tin về cho Cơ quan thuế.

Sau khi thông tin doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng “đang làm thủ tục giải thể”. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Bước 3: Thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế (thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế) với cơ quan quản lý thuế.

Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:

  • Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
  • Quyết định giải thể (của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, của chủ sở hữu và Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với Công ty Cổ phần);
  • Biên bản họp của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp;

Nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì phải bổ sung thêm văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của Tổng cục Hải Quan. Ngoài ra doanh nghiệp cần làm xác nhận không nợ Bảo hiểm xã hội với Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bước 4: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty (Theo khoản 2 và Khoản 5 Điều 208, Luật Doanh nghiệp 2020)

Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng. Thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:

  1. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
  2. Nợ thuế;
  3. Các khoản nợ khác.

Bước 5: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an theo quy định khi làm thủ tục giải thể.

 

Bước 6: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp mà không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.

Lệ phí giải quyết: Không mất phí

Hình thức đăng ký giải thể: Có thể đăng ký trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký qua mạng điện tử.

 

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 17/06/2020.

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp ngày 04/01/2021.

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp ngày 16/03/2021.

 

Trên đây là nội dung cơ bản về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục giải thể doanh nghiệp nhìn chung khá phức tạp vì phải qua nhiều cơ quan hành chính cùng nhiều thủ tục khác nhau. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp có công ty con, chi nhánh/ văn phòng đại diện hoặc liên quan đến các trách nhiệm pháp lý về hợp đồng, giao dịch có thể dẫn đến tranh chấp thì thủ tục giải thể có thể sẽ bị kéo dài và phức tạp hơn. Công ty chúng tôi với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm làm trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng như các thủ tục liên quan đến thuế, kế toán,… Pham Consult cam kết đem tới dịch vụ chất lượng cao với mức phí hợp lý, quý khách hoàn toàn có thể yên tâm và đồng hành cùng chúng tôi trong việc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.

 

Để hiểu rõ hơn về thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng như các vấn đề liên quan, quý khách vui lòng liên hệ với Phạm Consult – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn Thuế, Tư vấn tài chính, Dịch vụ kế toán, lập và thanh toán lương. Quý Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline: (84-28) 3930 2487 hoặc kênh truyền thông Facebook nếu có nhu cầu hỗ trợ.

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat