Hiện nay, với quy định mới về sự thay đổi trong việc áp dụng mức thuế GTGT, dẫn đến hiểu lầm hay sai sót trong việc áp dụng mức thuế nào cho hợp lý đối với những hợp đồng được ký kết trước đó. Qua bài viết hôm nay, Pham Consult sẽ làm rõ vấn đề này.
Hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết đầu năm 2023 kéo dài quá trình thực hiện qua sau ngày 01/7/2023 thì áp dụng thuế GTGT 8% hay 10%?
Thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị định 44/2023/NĐ-CP thì việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% chỉ áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 và cụ thể là đến hết ngày 31/12/2023.
Về vấn đề hợp đồng ký kết trước ngày 01/7/2023 kéo dài quá trình thực hiện đến sau ngày 01/7/2023 mới hoàn tất thì theo quy định tại Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn xác định thời điểm tính thuế giá trị gia tăng như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
- Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
…
Theo đó, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng tương ứng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
– Trường hợp hợp đồng ký kết trước ngày 01/7/2023 là hợp đồng mua bán hàng hóa thì trước hết hàng hóa trong hợp đồng phải thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Như vậy, trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết từ ngày 01/01/2023 đến trước ngày 01/7/2023 nhưng bên mua và bên bán chưa thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa thì cho dù đã thu tiền hay chưa thì sẽ áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% và khi các bên thực hiện chuyển giao hàng hóa sau ngày 01/7/2023 thì tại thời điểm này hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 8%.
Trường hợp hai bên mua bán hàng hóa đã thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa trước ngày 01/7/2023 thì được xem là thời điểm đã xác định thuế GTGT do đó sẽ áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
Ký hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng thực hiện sau ngày 01/7/2023 thì áp dụng thuế suất thuế GTGT bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
…
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Đồng thời, tại Điều 25 Luật Hải quan 2014 quy định thời gian nộp tờ khai hải quan như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ hải quan
- Thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:
- a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
- b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
- c) Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này.
- Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
- Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:
- a) Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;
- b) Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, theo các quy định trên thì hàng hóa nhập khẩu trong hợp đồng nhập khẩu hàng hóa ký kết trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 xác định như sau:
– Nếu hợp đồng nhập khẩu hàng hóa ký kết từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/7/2023, thời điểm đăng ký tờ khai hải quan trước ngày 01/7/2023 thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, sau 01/7/2023 thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết từ ngày trước ngày 01/7/2023 kéo dài sau 01/7/2023 thì áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% hay 10%?
Trước hết, để xác định được vấn đề này thì dịch vụ trong hợp đồng đã ký kết phải thuộc đối tượng đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% và được giảm thuế GTGT theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng của hợp đồng cung ứng dịch vụ như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
…
- Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
Theo đó, đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Như vậy, có thể xác định như sau:
– Trường hợp mà hợp đồng cung ứng dịch vụ được ký kết trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/7/2023 nhưng hoàn thành việc cung ứng dịch vụ sau ngày 01/7/2023 thì tại thời điểm hoàn thành công việc là thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng với thuế suất 8%.
– Trường hợp mà hợp đồng cung ứng dịch vụ được ký kết từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/7/2023 kéo dài quá trình thực hiện sang sau ngày 01/7/2023 nhưng có thu tiền trước hoặc thu tiền trong quá trình thực hiện thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm lập hóa đơn, mà thời điểm lập hóa đơn cũng là thời điểm thu tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
Thời điểm lập hóa đơn
…
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Theo đó, hoạt động cung ứng dịch vụ thu tiền trước hoặc trong quá trình thực hiện trong giai đoạn từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CPthì nếu hợp đồng cung ứng dịch vụ thu tiền trong quá trình thực hiện và bàn giao theo từng giai đoạn thì xác định thời điểm tính thuế giá trị gia tăng dựa theo thời điểm lập hóa đơn.
Ví dụ: Doanh nghiệp lập hóa đơn thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 01/07/2023 thì trong giai đoạn này, hóa đơn được lập với thuế suất thuế GTGT là 10% và từ sau ngày 01/07/2023 thuế suất thuế GTGT là 8%.
Như vậy, bài viết trên Pham Consult đã giới thiệu và làm rõ hơn về việc áp dụng mức thuế GTGT nào đối với những Hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết đầu năm 2023 kéo dài quá trình thực hiện qua sau ngày 01/7/2023. Mong nội dung này sẽ bổ ích đến các bạn.
PHẠM CONSULT là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn Thuế, Tư vấn tài chính, Dịch vụ kế toán, lập và thanh toán lương. Quý Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline: (84-28) 3930 2487 hoặc kênh truyền thông Facebook: http://bit.ly/phamconsult nếu có nhu cầu hỗ trợ.