Trong quá trình thực hiện dự án, ngoài các khoản vốn góp của nhà đầu tư góp vào dự án, các nhà đầu tư còn thực hiện huy động vốn vay từ nhiều nguồn khác. Thực tế, nhiều dự án vì một số nguyên nhân mà không muốn trả nợ nên đã lựa chọn việc chuyển đổi phần vốn vay đó thành vốn góp vào dự án. Qua bài viết hôm nay, hãy cùng Pham Consult tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!

  1. Khái niệm chuyển khoản vay thành vốn góp?

Chuyển khoản vay thành vốn góp là việc Bên Cho Vay thay vì thu hồi tiền nợ đã cho Công Ty vay bằng tiền, Bên Cho Vay sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính phần vốn góp của Công Ty. Khi đó, Bên Cho Vay sẽ trở thành chủ sở thành viên của Công Ty.

Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cũng như không có hướng dẫn cụ thể nào về quy trình chuyển đổi này. Về bản chất, việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là một cách thức để tăng vốn điều lệ của công ty lên bằng với vốn điều lệ cũ cộng với khoản vay được chuyển đổi, điểm khác biệt là việc chuyển tiền đã được thực hiện xong trước khi Công Ty ra quyết định tăng vốn.

Đồng thời, trong trường hợp Bên Cho Vay không phải là thành viên góp vốn hiện tại của Công Ty thì việc chuyển đổi này sẽ làm Công Ty có thêm thành viên góp vốn mới và tỷ lệ vốn của các thành viên góp vốn hiện hữu có thể bị thay đổi. Do đó, tuỳ theo loại hình doanh nghiệp đang hoạt động mà Công Ty cần phải có sự chấp thuận/phê duyệt của Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu trước khi tiến hành chuyển đổi.

Mặt khác, việc trả nợ khoản vay bằng phần vốn góp được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 34 Thông tư 03/2016/TT-NHNN, một trong số các hình thức trả nợ không thông qua tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài là “Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật”. Quy định này đã xác nhận một cách rõ ràng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển đổi khoản vay nợ nước ngoài thành phần vốn góp. Do đó, Bên Cho Vay là nhà đầu tư tư nước ngoài hoàn toàn có thể chuyển khoản nợ đã vay thành phần vốn góp trong Công Ty.

  1. Điều kiện để chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp
  • Chứng minh tính hợp pháp của Hợp Đồng Vay, phụ lục Hợp Đồng mà các bên đã ký kết;
  • Nếu khoản vay nước ngoài là khoản vay trung, dài hạn thì Bên Đi Vay phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước (“NHNN”). Nếu khoản vay ngắn hạn phải báo cáo với NHNN;
  • Số tiền của Khoản vay đã được chuyển đúng vào Tài Khoản Vốn Đầu Tư Trực Tiếp (“DICA”) hoặc Tài Khoản Vay Nước Ngoài của Công Ty theo quy định của pháp luật;
  • Sau khi chuyển đổi, tỷ lệ vốn sở hữu của Bên Cho Vay phải tuân theo giới hạn pháp luật quy định.
  1. Các thủ tục cần thực hiện để chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp?

Công Ty cần thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và ngoại hối để chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp. Các lưu ý khi chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp của Công Ty như sau:

Thứ 1, đối với Công Ty tiếp nhận nguồn vốn có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý các điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh trong các hiệp định quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (WTO, EVFTA,…) và pháp luật chuyên ngành để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về sở hữu vốn góp cũng như Công Ty đáp ứng đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh.

Thứ 2: các bên lập văn bản thỏa thuận hoặc phụ lục hợp đồng về việc chuyển đổi khoản vay này thành vốn góp. Văn bản này cần ghi nhận rõ nội dung: thời điểm chuyển đổi, số tiền chuyển đổi, phương án xử lý tiền lãi và tiền gốc hay lãi phạt trả chậm, tỷ lệ phần trăm vốn mà Bên Cho Vay sẽ sở hữu trong Công Ty sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi,…

Thứ 3: các bên cần thông qua các thủ tục nội bộ của Công Ty (tổ chức cuộc họp, ban hành các biên bản, quyết định, nghị quyết) để thông qua, phê chuẩn về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, tăng vốn điều lệ, bổ sung thành viên mới (nếu có), thay đổi tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp,…

Thứ 4, các bên cần thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ, ghi nhận cổ đông/thành viên góp vốn mới (nếu có):

  • Bước 1:Thực hiện thủ tục xin chấp thuận góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công Ty đặt trụ sở

Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, nếu Công Ty và Bên Cho Vay đảm ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Văn bản về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ghi rõ vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng, phần vốn góp và tỷ lệ góp vốn của Bên Cho Vay.

  • Bước 2:Thông báo thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty trong các nội dung gồm thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn, thông tin của thành viên/cổ đông nhà đầu tư nước ngoài.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp và tăng vốn điều lệ, Công Ty phải thực hiện thủ tục này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở (Khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020)

  • Bước 3:Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công Ty (nếu có) gồm thay đổi vốn đầu tư thực hiện dự án, thông tin của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có thêm cổ đông/thành viên góp vốn mới)

Việc thay đổi vốn đầu tư dẫn đến nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi thuộc trường hợp phải đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư (Khoản 2 Điều 41 Luật Đầu tư 2020)

  • Bước 4:Thông báo về việc trả nợ bằng cổ phần/ phần vốn góp với NHNN

Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn: Công Ty cần thực hiện báo cáo với NHNN về việc chuyển khoản vay thành vốn đầu tư thông qua hình thức truyền thống hoặc điện tử theo quy định.

Đối với khoản vay nước ngoài trung và dài hạn: Công Ty cần thông báo bằng văn bản cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản thực hiện trả nợ theo kế hoạch thay đổi – chuyển khoản vay thành góp vốn, mà không phải đăng ký thay đổi khoản vay với NHNN.

 

Trên đây là một số quy định về trình tự thủ tục và những vấn đề cần lưu ý liên quan đến chuyển khoản vay thành vốn góp, nhưng trên thực tế các cơ quan nhà nước có thể yêu cầu khác hơn tùy thuộc vào mỗi tỉnh, thành khác nhau. Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi khoản vay thành vốn góp cũng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, trong quá trình đàm phán và thực hiện thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn từ những đơn vị tư vấn am hiểu về lĩnh vực này để được hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro.

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat