Chứng từ kế toán là tài liệu dùng làm căn cứ để ghi các loại sổ sách kế toán. Vì vậy, người làm công tác kế toán cần phải hiểu rõ chứng từ kế toán là gì? Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được lập bằng tiếng nước ngoài có cần dịch ra tiếng việt không? Bài viết dưới đây Pham Consult sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

1. Chứng từ kế toán là gì? 

Chứng từ kế toán là gì

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Kế toán 2015, chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.

Chứng từ kế toán được lập theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật quy định. Căn cứ vào Điều 16 Luật Kế toán 2015, trên chứng từ kế toán phải có đầy đủ các nội dung sau:

  • Số hiệu chứng từ
  • Tên, địa chỉ, số điện thoại doanh nghiệp, tổ chức lập và doanh nghiệp tổ chức nhận chứng từ.
  • Tên chứng từ
  • Ngày, tháng , năm lập chứng từ
  • Nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh
  • Số lượng hàng hóa, đơn giá, thành tiền bằng số, tổng số tiền phải thanh toán bằng số và bằng chữ của nghiệp vụ kinh tế.
  • Chữ ký của người lập chứng từ và các bên liên quan trên chứng từ

Ví dụ về chứng từ kế toán:

  • Chứng từ thanh toán: phiếu thu, phiếu chi ( thanh toán bằng tiền mặt), giấy báo nợ, báo có, sao kê ngân hàng (thanh toán bằng chuyển khoản),…
  • Chứng từ lao động, tiền lương: bảng chấm công, bảng thanh toán tiền lương, giấy tạm ứng lương,…
  • Chứng từ hàng tồn kho: phiếu nhập kho, xuất kho, bảng phân bổ nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ,…
  • Chứng từ mua bán hàng: hóa đơn giá trị gia tăng, bảng kê mua, bán hàng,…

2. Chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa có được lập nhiều lần không?

Chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại khoản 1 Điều 85 Thông tư 133/2016/TT-BTC như sau:

Lập và ký chứng từ kế toán

  1. Các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
  2. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu. Trong trường hợp chứng từ kế toán chưa có mẫu thì đơn vị kế toán được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định của Luật Kế toán.
  3. Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai chứng từ kế toán thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo vào chứng từ viết sai.

Như vậy, theo quy định thì chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

 

3. Chữ ký trên chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được ký bằng loại mực nào?

Chữ ký trên chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại khoản 5 Điều 85 Thông tư 133/2016/TT-BTC như sau:

Lập và ký chứng từ kế toán

  1. Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên quy định. Trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính thì nội dung các liên phải giống nhau.
  2. Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Người lập, người duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán.
  3. Các doanh nghiệp chưa có chức danh kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán để giao dịch với khách hàng, ngân hàng… Chữ ký kế toán trưởng được thay bằng chữ ký của người phụ trách kế toán của đơn vị đó. Người phụ trách kế toán phải thực hiện đúng trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng.
  4. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm người có thẩm quyền hoặc được ủy quyền ký chứng từ thực hiện việc ký chứng từ kế toán khi chưa ghi hoặc chưa ghi đủ nội dung chứng từ theo trách nhiệm của người ký.

Như vậy, theo quy định, chữ ký trên chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được ký bằng bằng loại mực không phai.

Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn.

4. Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được lập bằng tiếng nước ngoài có cần dịch ra tiếng Việt không?

Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán được quy định tại Điều 87 Thông tư 133/2016/TT-BTC như sau:

Dịch chứng từ kế toán ra tiếng Việt, sử dụng, quản lý, in và phát hành biểu mẫu chứng từ kế toán

Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu quy định tại Luật Kế toán ra tiếng Việt.

Đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của nội dung được dịch ra tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Bản chứng từ dịch ra tiếng việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.

Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác không phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các doanh nghiệp có thể mua sẵn hoặc tự thiết kế mẫu, tự in, nhưng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu của chứng từ quy định tại Luật Kế toán.

Chứng từ phải được bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát. Séc và giấy tờ có giá phải được quản lý như tiền. Các doanh nghiệp có sử dụng chứng từ điện tử cho hoạt động kinh tế, tài chính và ghi sổ kế toán thì phải tuân thủ theo quy định của các văn bản pháp luật về chứng từ điện tử.

Như vậy, theo quy định, đối với các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được lập bằng tiếng nước ngoài như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác không phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

Qua bài viết trên, Pham Consult đã giải đáp cho bạn về tài liệu kèm theo chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa được lập bằng tiếng nước ngoài có cần dịch ra tiếng việt không? Mong những thông tin trên sẽ giúp ích được cho công việc của bạn.

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WhatsApp chat